Giới thiệu
Bitcoin là một khái niệm còn khá mới mẻ với hệ thống tiền tệ toàn cầu. Cách mà Bitcoin bước vào hệ thống này – với tư cách là một đơn vị tiền tệ cũng như là một mạng lưới thanh toán cho chính loại đơn vị tiền tệ đó – đã tạo nên một cơn sốt thực sự với vô số những cuộc thảo luận cũng như những suy đoán, tin đồn trên toàn thế giới. Dường như đề tài Bitcoin ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết với những biến động vô cùng khó lường.
Và với việc Bitcoin – một hệ thống vô cùng mạnh mẽ – thâm nhập vào hệ thống tiền tệ, việc tìm hiểu về nó có thể coi là một nhu cầu cấp thiết. Cũng giống như việc bạn học cách đi xe đạp vậy, một khi bạn biết cách điều khiển thì chiếc xe đạp sẽ trở thành một công cụ vô cùng hữu ích và dễ sử dụng. Lẽ tất nhiên, sẽ có nhưng người tìm hiểu về chiếc xe đạp một cách rất kĩ lưỡng, như cách thức nó vận hành, các quy tắc vật lý chi phối,… nhưng những kiến thức như vậy là không cần thiết với người dùng đại chúng. Bitcoin cũng vậy, những kiến thức mang đặc thù công nghệ thực sự không phải là cái mà đại đa số chúng ta cần quan tâm, và chúng ta sẽ chủ yếu xem xét Bitcoin ở bài viết này dưới khía cạnh một hệ thống tiền tệ chứ ít đi sâu vào khía cạnh công nghệ – một khía cạnh với những đoạn mã, những thuật toán,… đầy phức tạp.
Bitcoin là gì?
Không phải ngẫu nhiên mà vàng, bạc và một số kim loại khác đã và đang được sử dụng để làm tiền tệ. Chúng có những đặc tính riêng phù hợp với chức năng này: khan hiếm, đồng nhất, có thể dễ dàng vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, dễ dàng nhận biết, độ bền cao, có tỷ lệ giá trị/trọng lượng cao và cuối cùng là có nguồn cung tương đối ổn định, không biến động quá lớn. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề khiến chúng chưa trở nên hoàn hảo.Ví dụ như vàng. Bạn không thể dễ dàng cắt vàng ra hoặc gộp chúng lại thành một khối. Bạn không thể vận chuyển một lượng vàng lớn đến nơi khác mà không e ngại tới việc bị cướp bóc, đó là chưa kể đến việc vàng có thể bị làm giả và được tuồn vào trong giao dịch để sử dụng như vàng thật. Làm thế nào để có thể giải quyết những vấn đề trên? Với việc Satoshi Nakamato – cha đẻ của Bitcoin – công bố rộng rãi hệ thống Bitcoin vào năm 2009, những vấn đề trên đã được giải quyết.
Như đã nói ở trên, Bitcoin bao gồm hai thành tố, đó là đơn vị tiền tệ ảo và là hệ thống thanh toán toàn cầu. Xét về khía cạnh đơn vị tiền tệ, Bitcoin cũng giống như các đồng tiền khác trên thế giới – USD, Euro, Yen, ounce vàng/bạc. Đơn vị tiền tệ này có những đặc tính như sau:
- Tổng số Bitcoin tồn tại trong hệ thống sẽ không bao giờ vượt quá 21 triệu.
- Bitcoin được tạo ra theo một lịch trình cụ thể với số lượng nhất định và được chuyển vào tài khoản của người dùng theo quy tắc: Càng sử dụng nhiều khả năng điện toán vào hệ thống thì cơ hội nhận được bitcoin càng cao. Việc sử dụng năng lực điện toán này được gọi là “mining”, hay gọi chính xác hơn là “bitcoin auditing”. Tuy nhiên, lượng bitcoin được tạo ra mỗi lần là không đổi, và vì hệ thống ngày càng “phình to” ra nên càng ngày việc “mining” này càng trở nên khó khăn, buộc người dùng phải tăng năng lực điện toán cho hệ thống của mình để tiếp tục duy trì tỷ lệ nhận bitcoin. Và bởi vậy, lạm phát trong hệ thống có thể được giảm thiểu tối đa.
- Mỗi Bitcoin chỉ có thể chia ra được tối đa thành 100 triệu phần, mỗi 0.00000001 Bitcoin được gọi là 1 satoshi.
- Bạn sẽ không thể tạo ra được Bitcoin giả (để một cách đầy đủ lý do thì bạn sẽ phải hiểu về các thuật toán cũng như giao thức lập trình cao cấp). Nói một dễ hiểu, nếu chỉ một mình tài khoản của bạn ghi nhận bạn có 1 bitcoin trong khi 10 tài khoản khác không ghi nhận bạn có 1 Bitcoin đồng nghĩa với việc bạn không có Bitcoin đó.
- Cũng như các loại hàng hóa khác, Bitcoin cũng có giá cả của nó. Tại thời điểm viết bài, giá mỗi Bitcoin đang ở mức 586.76$. Ngoài ra, còn có tỷ giá của Bitcoin quy ra các loại đồng tiền khác. Bitcoin được trao đổi trên các sàn giao dịch với hình thức niêm yết giá như trên, và một trong những trang web trao đổi Bitcoin lớn nhất thế giới là MtGox.com. Tuy nhiên gần đây, một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất nặng nề tới các hoạt động cũng như uy tín của những sàn giao dịch này.
Chúng ta mới chỉ xem xét Bitcoin dưới khía cạnh là một đơn vị tiền tệ, tuy nhiên bản thân Bitcoin còn là một hệ thống thanh toán. Có thể nói rằng Bitcoin có đang đe dọa các ngân hàng (và đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang trong vai trò in tiền) cũng như các hệ thống thanh toán như Paypal, Western Union,… với khả năng tạo, lưu trữ và chuyển tiền. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng Paypal và Western Union có thể sẽ bị Bitcoin “đá văng” ra khỏi thị trường trong tương lai không xa; và chính Cục Dự trữ Liên Bang (cũng như các ngân hàng trung ương khác) sẽ trở nên thừa thãi, một điều không tưởng mà ở thời điểm vài năm trước chắc hẳn sẽ chẳng có một ai nghĩ tới.
Bitcoin hoạt động như thế nào?
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, làm thế nào mà Bitcoin có thể thay thế được các chức năng của những hệ thống vốn đã tồn tại trong suốt một thời gian dài như vậy? Để sử dụng Bitcoin, bạn sẽ phải tải về một chương trình riêng biệt tại Bitcoin.org. Chương trình này có chức năng như một tài khoản ngân hàng. Nó lưu trữ một đoạn mã riêng biệt trên máy tính của bạn, cho phép bạn sử dụng tiền trong tài khoản (còn được gọi là wallet) đó. Wallet này có thể gửi/nhận Bitcoin tới các tài khoản wallet khác dễ dàng như việc chúng ta gửi/nhận email vậy. Không họ tên. Không địa chỉ. Không thông tin cá nhân. Hoàn toàn ẩn danh và bí mật.
Các giao dịch sẽ được gửi thông qua một hệ thống gọi là “mã khóa”. Mỗi tài khoản đều có một “mã khóa mở” và một “mã khóa cá nhân” bao gồm một dãy những con số và kí tự. Wallet của bạn có khả năng hiểu được “mã khóa cá nhân” này và cho phép bạn gửi tiền. Tuy nhiên, để gửi tiền cho tài khoản nào, bạn sẽ phải có được “mã khóa mở” của tài khoản đó. Giao dịch gửi tiền được thực hiện khi và chỉ khi bạn có “mã khóa cá nhân” của mình và “mã khóa mở” của người khác. Dưới đây là một tài khoản mẫu:
1PGFCtrJHUsc7fs4LGWLmXUEwuKyDaHuRa
Như đã đề cập ở trên, tài khoản của bạn chỉ bao gồm một dãy các số và kí tự ngẫu nhiên, hoàn toàn không hề chứa một thông tin cá nhân nào. Ngoài ra, bằng việc sử dụng giao thức mạng ngang hàng (peer-to-peer) thì trừ khi bạn để lộ mã khóa cá nhân cho người khác biết (ví dụ như đăng lên Facebook,…) tài khoản của bạn là tuyệt đối an toàn và ẩn danh.
Tại sao Bitcoin lại có giá trị?
Có thể nói rằng đây là câu hỏi mang tính bản lề của Bitcoin. “Nó chẳng bõ thời gian của tôi, tôi thậm chí còn chẳng nhìn thấy nó, chẳng cầm nắm được nó. Toàn là những thứ tưởng tượng ra”. Lý do nghe có vẻ hợp lý? Vậy thì cái gì đã làm cho Bitcoin trở nên có giá trị, mặc dù nó chỉ là một đồng tiền ảo?
Hẳn là ai trong số chúng ta cũng đã đều biết đến Thụy Sỹ, đất nước nổi tiếng với những ngân hàng tuyệt đối bí mật và an toàn. Tính bảo mật của những ngân hàng này đến nay vẫn là một cái gì đó vô cùng bí ẩn đối với tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Và lẽ dĩ nhiên, những ai sở hữu tài khoản đều tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng. Bitcoin cũng tương tự như vậy, nó cho phép người dùng đặt niềm tin vào một hệ thống mã hóa tự điều khiển vô cùng chặt chẽ. 1 + 1 sẽ luôn phải bằng 10 (hệ đếm nhị phân). Chính phủ Mỹ dọa cấm vận? 1 + 1 bằng 10. Nga dọa cắt đường dẫn khí đốt? 1 + 1 vẫn bằng 10. Triều Tiên dọa sử dụng đầu đạn hạt nhân? 1 + 1 cũng vẫn chỉ là 10. Ngoài nó còn an toàn hơn cả các ngân hàng ở Thụy Sĩ. Bạn cứ cầm 1 triệu USD tiền mặt trốn ra nước ngoài thử xem, chính phủ sẽ ngay lập tức tóm cổ bạn, lần ra nguồn gốc của số tiền này, truy thu các khoản phi pháp, phạt,… Nhưng với Bitcoin, tất cả những gì bạn cần có là một chiếc USB, hoặc 1 mẩu giấy nhỏ có ghi lại mã cá nhân, hoặc thậm chí là chẳng cần phải cầm theo cái gì cả, chỉ việc tự mail đoạn mã cho mình và sử dụng 1 triệu USD đó tại một đất nước khác. Quá dễ dàng và đơn giản.
Sẽ có một số người hoài nghi ở đây: “Cái gì đã tạo ra giá trị khởi điểm của Bitcoin? Tại sao lại tồn tại tỉ giá giữa Bitcoin và các loại đơn vị thanh toán khác?” Câu trả lời rất đơn giản. Bitcoin có giá trị bởi 2 lý do. Thứ nhất, nó hữu dụng; thứ hai, nó mang tính khan hiếm. Bất cứ loại hàng hóa nào bao hàm đầy đủ 2 yếu tố này sẽ đều có giá trị. Thời điểm lần đầu tiên Bitcoin được đưa vào giao dịch, một tỷ giá đã được tạo ra. Những người giao dịch tiếp theo có thể đồng ý hoặc không đồng ý với mức giá này, và họ dần dần điều chỉnh tỷ giá tới mức được đông đảo người giao dịch chấp nhận. Mức giá này sẽ tuân theo quy luật cơ bản cung cầu giống như hầu hết mọi loại hàng hóa khác. Khi mọi người có xu hướng cần sở hữu Bitcoin nhiều hơn, giá Bitcoin sẽ tăng và ngược lại, khi mà không ai đoái hoài đến Bitcoin, giá Bitcoin sẽ giảm. Với việc mang đầy đủ những yếu tố của vàng cũng như giải quyết được những vấn đề mang tính cố hữu của vàng thì không khó để Bitcoin được chấp nhận rộng rãi là một loại tiền tệ mới.
Làm thế nào để có thể sở hữu Bitcoin?
Một khi bạn đã hiểu rõ tính hữu dụng cũng như giá trị của Bitcoin, chắc hẳn bạn cũng sẽ muốn sở hữu nó, nhưng làm thế nào? Có 3 cách cơ bản để sở hữu Bitcoin. Cách thứ nhất, bạn dùng tiền để mua. Cách thứ hai, nó bạn bán hàng hóa/dịch vụ để thu về Bitcoin. Và cách thứ ba, bạn “đào” (mining) nó.
Chúng ta sẽ xem xét cách đầu tiên, đó là sử dụng tiền để mua Bitcoin. Có vô số các sàn giao dịch với quy mô từ nhỏ lẻ đến lớn. Bạn chỉ cần lập một tài khoản tại sàn giao dịch này, nạp tiền thật (USD,Euro,…) vào tài khoản và mua Bitcoin theo tỷ giá hiện hành. Nếu bạn muốn bán Bitcoin để thu hồi tiền về, bạn chỉ việc làm ngược lại quá trình trên và chuyển tiền từ tài khoản này tới tài khoản ngân hàng của bạn. Vì thị trường Bitcoin hoạt động liên tục 24/7, không có giờ đóng cửa như thị trường chứng khoán nên có thể nói Bitcoin có tính thanh khoản rất cao.
Cách thứ hai, đó là bạn cung cấp hàng hóa/dịch vụ để thu về Bitcoin. Việc này cũng giống như bạn bán hàng và người mua trả tiền cho bạn. Lần đầu tiên trên thế giới, tại Đức, Bộ Tài chính Liên Bang Đức đã chính thức công nhận Bitcoin là một loại “tiền tư nhân” và chấp nhận Bitcoin vào trong lưu hành như một đồng tiền hợp pháp.
Cách thứ ba là bạn sử dụng năng lực điện toán để “đào” Bitcoin. Việc cần làm là mua và xây dựng một hệ thống có năng lực điện toán đủ mạnh cho công việc này. Tại thời điểm viết bài, cứ mỗi 10 phút, toàn bộ hệ thống sẽ có 25 Bitcoin được tạo ra và cấp tới các tài khoản tùy theo năng lực điện toán mà tài khoản đó đã sử dụng; và theo tính toán, số Bitcoin tạo ra mỗi 10 phút sẽ giảm một nửa vào năm 2017. Điều này có nghĩa, để một tài khoản Bitcoin duy trì được tỷ lệ nhận Bitcoin của mình thì họ buộc phải xây dựng hệ thống “đào” Bitcoin ngày càng mạnh, nếu không thể chạy đua được thì họ sẽ bị đá văng khỏi cuộc chơi và tăng tỷ lệ cho người khác. Đây cũng chính là ý đồ của Satoshi, khi mà khởi điểm chỉ cần dùng một chiếc máy tính mang bộ xử lý Intel Pentium 3 cũng có thể nhận được Bitcoin nhằm thu hút người dùng; nhưng càng về sau hệ thống “đào Bitcoin” càng đòi hỏi đầu tư mạnh, tốn nhiều chi phí và một người đã tham gia khó mà rút chân ra khỏi hệ thống để “ăn non” được. Tại Việt Nam đã có không ít dàn máy hàng trăm triệu đồng chỉ để “đào” Bitcoin với lượng điện tiêu thụ hàng tháng lên tới vài chục triệu đồng.
Bitcoin có thể dùng để làm gì?
Câu trả lời ngắn gọn là: “Mọi việc mà một đồng tiền thông thường có thể làm, và cả những việc mà một đồng tiền thông thường không thể làm”. Mua hàng hóa? Ủng hộ một cách bí mật cho các cá nhân, tổ chức như Edward Snowden hay WikiLeaks? Gửi một khoản tiền nho nhỏ tới các trung tâm nuôi dưỡng thú vật nhưng PayPal không chấp nhận do khoản tiền dưới 10$? Cá cược? Gửi tiền cho con cái ở nước ngoài nhưng chi phí tại Western Union lên tới 40$? Làm freelance các công việc ở nửa kia quả địa cầu? Mua vàng, bạc tại chợ đen do lo sợ chiến tranh, bạo loạn? Bitcoin hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ này, thậm chí nó còn tốt hơn cả sử dụng tiền mặt/chuyển khoản. Các chính phủ không thể ngăn cản các giao dịch này diễn ra. Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bitcoin có thể được sử dụng để mua bán vũ khí, chất hóa học cấm, trả công cho những phi vụ giết người, tuồn hàng lậu, rửa tiền… Và những mặt trái này chính là rào cản khiến cho Bitcoin chưa được công nhận ở rất nhiều nơi.
Chính phủ và các trung gian tài chính có thể làm gì được với Bitcoin?
Bạn đã từng nghe tới vụ việc của MegaUpload, khi mà chính phủ Mỹ đóng cửa website ngay cả khi chưa có một phán quyết nào từ tòa án được đưa ra? Và Chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể đóng cửa các website giao dịch Bitcoin? Tất nhiên là có thể, nhưng hãy nhớ rằng, MegaUpload bản chất khác hoàn toàn với các sàn giao dịch này, nó giống như một cái ổ cứng lưu trữ vô cùng nhiều dữ liệu, việc cần làm để xóa sổ nó đơn giản là xóa sạch dữ liệu bên trong. Thế nhưng, các sàn giao dịch hoàn toàn không chứa thông tin về các giao dịch Bitcoin, chúng chỉ chứa thông tin về tỷ giá, người cần mua và người cần bán, còn giao dịch là việc giữa các tài khoản với nhau, các sàn giao dịch chỉ thu một lượng nhỏ tiền chi phí giao dịch. Không như Paypal và các hệ thống tiền tệ khác, Bitcoin hoàn toàn không bị lệ thuộc vào bất cứ chính phủ nào. Bitcoin không có trụ sở, không có văn phòng đại diện, không có nhân viên, không có máy chủ. Việc duy nhất chính phủ có thể làm là cấm việc công khai trao đổi hàng hóa/dịch vụ thông qua Bitcoin hoặc chấp nhận nó (giống như ở Đức).
Các quy luật thị trường đã chỉ ra rằng, nếu những công ty như Paypal, Western Union đang thu được hàng tỉ USD hàng năm thông qua việc cung cấp dịch vụ thanh toán/chuyển tiền trong khi với Bitcoin, những hoạt động này hoàn toàn không mất phí (hoặc rất ít) thì đương nhiên, các công ty này sẽ phá sản. Cũng giống như việc phát minh ra ô tô làm giảm chi phí vận chuyển, phát minh ra email làm giảm chi phí liên lạc, Bitcoin đang làm rất tốt nhiệm vụ cắt giảm chi phí cho những giao dịch kể trên. Bitcoin hoàn toàn có thể song hành, thậm chí là lấn át những công ty này.
Kết
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn vào thực tế. Bitcoin có thể sẽ là một thất bại, nhưng nó cũng tồn tại khả năng thành công, và khả năng này tăng dần với mỗi một người sử dụng mới, mỗi một giao dịch mới, mỗi một hệ thống sử dụng Bitcoin mới. Hãy dành thời gian để tìm hiểu nó, học nó và sử dụng nó. Nếu Bitcoin tiếp tục phát triển, nó có thể hoàn toàn thay thế những hệ thống giao dịch tài chính, khiến cho giá trị trở nên ổn định về mặt dài hạn. Bitcoin và Internet song hành với nhau, đó là tất cả những gì cần thiết để vận hành một hệ thống tư bản vô chính phủ. Thay vì những lá phiếu bầu cử, nghe những lời bào chữa vô thưởng vô phạt, chúng ta có thể gạt bỏ quyền uy của Chính phủ, thứ quyền uy có được bởi sự kiểm soát đồng tiền. Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ không còn sở hữu quyền in tiền để chi trả cho các cuộc chiến cũng như các chương trình chạy đua vũ trang? Điều gì sẽ xảy ra nếu Zimbabwe và các nước EU sở hữu một đồng tiền với tiềm năng lạm phát được giảm thiểu một cách tối đa? Đó ắt hẳn sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn, tôi tin là như vậy.
Tùng Linh
(Lược dịch và chỉnh sửa từ Blog của Erik Voorhees)