Case study ngày càng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt đối với sinh viên và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một khảo sát do CLB Kinh tế trẻ thực hiện, có đến gần 40% sinh viên vẫn chưa biết đến case study hoặc chưa hiểu rõ case study là gì, vì thế bỏ qua ứng dụng của chúng.
Ứng dụng trong học tập
Trong quá trình học, các sinh viên được học lý thuyết của rất nhiều môn học trên giảng đường. Chính vì vậy một bài tập về tình huống thực tiễn là cơ hội để ứng dụng thực tế.
Với phương pháp Case Study, chúng ta giải quyết vấn đề với tất cả những gì mình có. Từ đó, việc bồi đắp lý thuyết trở nên cần thiết và thú vị hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, Case Study còn giúp chúng ta nâng cao khả năng sử dụng các bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình. Phương pháp học và giảng dạy thông thường không dạy cho chúng ta biết làm thế nào để lựa chọn, thao tác và xuất trình chứng cứ; cũng không để chúng ta dùng nó để chứng minh cho những phân tích của mình. Còn Case Study sẽ đưa ra những dữ liệu thô, để ta phải thao tác để giải quyết vấn đề.
Ứng dụng trong phát triển kĩ năng
Case Study là nơi lý thuyết được vận dụng, cũng là công cụ hữu hiệu để bản thân phát triển.
Albert Einstein từng nói: “Bạn chỉ có thể giải thích vấn đề một cách đơn giản khi mà bạn đã thực sự hiểu nó”. Với nền tảng kiến thức, phương pháp sử dụng Case hỗ trợ, thúc đẩy hiểu sâu các kiến thức.
Phân tích là trọng tâm nghiên cứu của quá trình phân tích Case Study. Giải Case yêu cầu khả năng xác định vấn đề, phân tích thông tin để thiết lập mối quan hệ.
Tổng hợp là kĩ năng kết hợp các phần thông tin để tạo thành một chính thể hoàn toàn mới. Case Study thúc đẩy kĩ năng tổng hợp bằng cách yêu cầu sinh viên xác định những thông tin liên quan, tóm tắt các khái niệm cơ bản và trình bày tóm tắt đó.
Ứng dụng chính là đem những thứ vũ khí đang sở hữu đó để giải quyết các vấn đề. Thông qua quá trình phân tích, sinh viên có cơ hội phát triển sự hiểu biết để áp dụng lý thuyết vào bối cảnh thực tế.
Muốn giải case cần sự tổng hợp kiến thức đa dạng, chính vì vậy case thường được giải theo nhóm. Kỹ năng teamwork từ đó được nâng cao, một kỹ năng mà bất kì doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi.
Case study góp phần nâng cao cả kiến thức và kỹ năng cho người giải. Mở rộng phạm vi “biết”, thúc đẩy quá trình “hiểu” và ứng dụng tối đa kiến thức.
Ứng dụng trong doanh nghiệp
Case Study còn được sử dụng trong việc xây dựng lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp. Trong B2B marketing, khách hàng đánh giá cao các câu chuyện thành công của khách hàng khác. Họ sẵn sàng thể hiện sự quan tâm và tương tác với những doanh nghiệp nào đưa ra được câu chuyện hấp dẫn về việc khách hàng đã thành công như thế nào sau khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Ngoài ra, case study còn được áp dụng trong các vòng tuyển dụng để kiểm tra kiến thức và kỹ năng của các ứng viên. Qua đó tìm ra gương mặt đáp ứng được những tiêu chí đặt ra của doanh nghiệp.
Một ví dụ tiêu biểu của việc ứng dụng case study trong vòng tuyển dụng ở tập đoàn Deloitte:
Vòng 3: As one – Phỏng vấn nhóm và giải Case Study
Các thí sinh sẽ được phân thành các nhóm để cùng thảo luận và trình bày về một đề tài. Phần đầu của vòng phỏng vấn nhóm là hỏi bằng tiếng Anh để giới thiệu các ứng viên. Sau đó, cả nhóm sẽ được đưa case để giải quyết. Các Case Study chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thực sự công ty đang gặp phải. Câu hỏi trong vòng này được đánh giá là khó, liên quan đến cả Finance ratio và Audit technique.
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng đánh giá chủ yếu khả năng ứng biến của ứng viên và tinh thần đồng đội. Đây được xem là một trong những vòng thi tuyển dụng đầy thách thức nhất khi đòi hỏi ứng viên phải nắm vững đa dạng kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý thông tin và ứng biến với tình huống thực tế. Không phải người giỏi nhất sẽ được chọn, mà là người có tinh thần làm nhóm nhất.
Hy vọng bài viết trên đã phần nào cung cấp cho các bạn tầm quan trọng của case trong công việc và cuộc sống. Qua đó sẵn sàng tiếp cận và tìm hiểu nhiều hơn về bộ môn thú vị này.