Hãy cùng tìm hiểu về “kỳ lân công nghệ” Gojek và cách nó trở thành một WeChat thứ hai tại xứ sở vạn đảo.

Lịch sử về Gojek
Gojek được thành lập vào năm 2010 bởi Nadiem Makarim, với vai trò là dịch vụ giúp khách hàng đặt xe ôm (“Ojek”). Ban đầu, dịch vụ được thực hiện qua đường dây diện thoại, cho đến năm 2015, hãng quyết định chuyển đổi số và cho ra đời ứng dụng của mình.

Sau khi ra mắt ứng dụng, dứng dụng này đã trở nên bùng nổ trong nước. Gojek trở thành “Kỳ lân công nghệ” đầu tiên của Indonesia với hơn một triệu tài xế cung cấp các dịch vụ khác nhau. Trong đó phải kể đến GoFood, dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Sau khi Grab học theo mô hình Super App của Gojek, hai công ty bắt đầu một cuộc cạnh tranh gay gắt. Điển hình là việc Grab mua lại các hoạt động kinh doanh của Uber trong khu vực, cuộc chiến giá lớn và việc Gojek mở rộng địa bàn sang lãnh thổ của Grab ở Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Hai công ty cũng tung ra các ví điện tử cạnh tranh: GoPay của Gojek và Ovo của Grab. Cả 2 đều cung cấp các khoản chiết khấu và hoàn tiền rất rõ ràng cho các giao dịch trên khắp cả nước. Vì thanh toán được coi là thị trường chiến lược buộc phải chiến thắng, Gojek đã chuyển hướng và cố gắng tái tạo mình lại như một công ty Fintech.
Sản phẩm của Gojek

Khác với các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu và khu vực – Uber và Grab, Gojek được thiết kế theo mô hình nền tảng đa dịch vụ – Super App ngay từ ngày đầu tiên. Khi mở ứng dụng, nó sẽ không mở ở chế độ xem bản đồ để chọn vị trí đón, mà là màn hình nhắc người dùng chọn một trong tối đa 18 dịch vụ, bao gồm:
- Go-Ride: dịch vụ xe ôm Ojek
- Go-Car: dịch vụ đặt xe ô tô, giống với Uber.
- Go-Bluebird – dịch vụ đặt taxi. Kết hợp với công ty taxi lớn nhất Indonesia Bluebird
- Go-Send – dịch vụ ship hàng, có liên kết với các trang thương mại điện tử khác.
- Go-Food – dịch vụ giao đồ ăn. Các nhà hàng không cần phải đăng ký để được liệt kê trong ứng dụng.
- Go-Pulsa và GoBills để thanh toán các hóa đơn bao gồm tiền điện, tín dụng và các hóa đơn khác
- Các dịch vụ khác nhằm chở người cung cấp dịch vụ đến với khách hàng. Bao gồm Go-Massage để mát-xa theo yêu cầu và Go-Glam cho các chuyên gia làm đẹp theo yêu cầu.
- Các sản phẩm và dịch vụ khác có bao gồm: đặt vé, dọn nhà, chuyển nhà, mua sắm, sửa chữa ô tô.
Gojek – Những đổi mới

Phân tích lý do khiến Gojek thành công trên thị trường Indonesia không thể không kể đến một số đổi mới mang tính chiến lược. Những điều này đã không chỉ đưa Gojek trở thành số một mà còn giúp công ty chiến thắng đối thủ lớn mang tên Uber.
Nạp tiền qua tài xế
Ở một quốc gia nơi chưa đến một nửa số khách hàng sử dụng ngân hàng và chưa đến 5% sở hữu thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, việc nạp tiền vào ví Go-Pay được coi là một thách thức cốt lõi để khởi động hệ sinh thái thanh toán trực tuyến và khắc phục những hạn chế của thanh toán bằng tiền mặt.
Bắt đầu từ năm 2017, Gojek cho phép khách hàng nạp tiền vào ví bằng cách đưa tiền mặt cho tài xế hoặc cách khác là yêu cầu tài xế thêm tiền thừa cho một đơn hàng vào ví của họ.
Hợp tác với BCA
Gojek hợp tác với ngân hàng lớn nhất của Indonesia để giúp Tài xế – với tư cách là người thuộc tầng lớp kinh tế thấp, hầu hết không có tài khoản ngân hàng – mở tài khoản ngân hàng với BCA. Các tài xế có thể đăng ký cả tài khoản tài xế và tài khoản ngân hàng cùng một lúc, từ đó đôi bên – Gojek và BCA cùng có lợi.
‘An Ojek for every need’

Ở một nơi như Jakarta, khi tình trạng tắc nghẽn giao thông có thể khiến ngay cả chuyến đi taxi ngắn nhất cũng trở thành bài kiểm tra độ kiên nhẫn trong 2 giờ, xe máy cho đến nay vẫn là phương tiện đi lại hiệu quả nhất.
Và trong khi Uber sử dụng ô tô thì Gojek lại tập trung mạnh vào xe máy, và ở Indonesia: Xe máy vừa là phương tiện tốt nhất để vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhân viên và khách hàng.
Các sự thật này cho thấy tại sao Gojek lại có thể xây dựng một ‘Siêu ứng dụng’, điều mà Uber đã chưa thể làm được.
Gojek – “WeChat của Indonesia”
Ngày nay, Gojek cũng đang ở trong trạng thái tương tự như WeChat ở Trung Quốc. Cho dù WeChat thâm nhập thị trường qua Instant Messaging còn Gojek lại sử dụng phương tiện di chuyển, song, cả hai đều đang cố gắng tối đa hóa sự thâm nhập thị trường và giá trị của khách hàng thông qua ví điện tử và tích hợp ngày càng nhiều dịch vụ.
Sự khác biệt lớn nhất của 2 ứng dụng chính là khả năng liên kết với các dịch vụ khác. Mặc dù WeChat đã mở ra các phương thức, giao thức kết nối với các thư viện và ứng dụng khác của các nhà phát triển bên ngoài để xây dựng hệ sinh thái, thì nền tảng của Gojek vẫn đóng và gói gọn phần lớn trong các dịch vụ của chính Gojek, hoặc các dịch vụ do Gojek mua lại.
Dẫu sao đi nữa, cả hai đều đang giữ một vị thế không thể phá vỡ. Đặc biệt khi họ đã lấn sâu vào cả dịch vụ online và offline: Gojek thậm chí còn bắt đầu cung cấp News Services và phát triển nội dung giống Netflix.
Khả năng mở rộng toàn cầu
Yêu cầu cao để phát triển một mô hình Siêu ứng dụng khiến cho việc đưa mô hình đến các nước khác rất khó khăn. Các nỗ lực quốc tế của Gojek cho đến nay chỉ đạt được thành công hạn chế. Phần lớn vì nó cung cấp lượng dịch vụ rất hạn chế – và từ đó làm mất đi phần lớn sức hấp dẫn và hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ nó có thể đem lại.
Gojek hiện nay đang đặt trọng tâm quốc tế vào Việt Nam vì đây là thị trường đang chiếm 60% người dùng quốc tế. Song, Gojek ở Việt Nam cũng đang gặp rào cản do còn thiếu dịch vụ thanh toán và phải cạnh tranh với Grab.
Việc Gojek có thể phát triển toàn cầu được không hay Gojek Việt Nam có thể trở thành một Super App được hay không còn phụ thuộc vào việc Gojek có thể khai thác được các điểm đặc biệt ở thị trường Việt Nam nói riêng hay các thị trường khác nói chung như cách họ đã làm ở quê nhà hay không. Và đây vẫn sẽ là một dấu hỏi chỉ có thể đợi thời gian trả lời.