Workshop 1: Case Study starter’s pack đánh dấu sự trở lại đầy mạnh mẽ của CLB Nhà Kinh tế trẻ (YEC-NEU) trong hành trình thực hiện sứ mệnh của mình. Đó là cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sinh viên trong môi trường tiếp cận với Case Study.
Ngày 28/3/2019 vừa qua, buổi workshop đã diễn ra vô cùng tốt đẹp, mang đến nhiều giá trị thiết thực. Sự kiện được mô phỏng dưới hình thức một lớp học thu nhỏ, với sự tham gia của 30 sinh viên và diễn giả Võ Quang Dũng – Giám đốc Kinh doanh học viện Impactus. Trải qua hơn 2 tiếng đồng hồ được học hỏi kiến thức cùng thực hành kĩ năng, mỗi người tham dự đều đã nhận được những giá trị riêng.
PHẦN I: WARM UP
Mở đầu buổi workshop, các bạn sinh viên được khởi động trước khi bước vào nội dung chính. 30 người được chia thành các nhóm nhỏ để làm quen, giao lưu và tham gia phần “Thử thách”. Mỗi nhóm phải cùng nhau thảo luận và đưa ra đáp án chính xác cho 15 câu hỏi về Case Study thông qua kahoot.it.
Sẵn sàng cho kiến thức khó nhằn sắp tới, người tham dự được phát các bài test nhanh, thể hiện kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Điều này chính là công cụ giúp anh Dũng, diễn giả buổi workshop, nắm bắt được tinh thần người tham gia và cung cấp bài học trọn vẹn nhất.
PHẦN II: KHÁI QUÁT KIẾN THỨC
Đầu tiên, diễn giả đưa người tham dự đến với những khái niệm cơ bản nhất về Case Study. Case Study là một phương pháp nghiên cứu tình huống hay sự việc thực tế. Phương pháp này sử dụng lý thuyết để nghiên cứu và phân tích tình huống có thật. Hiện nay, rất nhiều các lĩnh vực khác nhau hiện đều sử dụng Case Study.
Ứng dụng của Case Study vô cùng phong phú. Vốn chúng ta chỉ nhận thấy được sự quan trọng của Case trong tuyển dụng. Tuy nhiên, đó thực chất lại là phần không thể thiếu trong những bài tập thầy cô giao trên lớp. Thậm chí, kĩ năng giải Case Study góp phần nâng cao cách xử lí tình huống thực tiễn của bạn.
Nhận thấy khó khăn trong giải quyết vấn đề của sinh viên, những bộ tài liệu trang bị kĩ năng đã được phát cho các bạn. Khi giải quyết một tình huống nào đó, chúng ta nên làm theo ba bước: Define – Structure – Prioritize (Định hình vấn đề – Tìm cấu trúc vấn đề – Sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết). Anh Dũng nhận định, chỉ khi nào xem xét vấn đề theo đa chiều, đi sâu vào điều cốt lõi thì mới tự tin để gỡ rối bằng giải pháp tối ưu.
PHẦN III: THỰC HÀNH
Trong bất kỳ hoạt động nào, CLB Nhà Kinh tế trẻ (YEC-NEU) luôn hướng tới sự trải nghiệm bổ ích, thiết thực. Doanh nghiệp luôn đánh giá cao người trẻ có kĩ năng giải quyết các bài toán thực tiễn trong kinh doanh. Vì thế, phần ba được đưa ra chính là sân chơi cho các bạn thể hiện mình.
Sau khi xem video về Problem solving cùng bài giảng thú vị từ diễn giả, người tham dự được chia nhóm làm quen, cùng nhau bắt tay giải một mini case đưa ra bởi BTC. Phần này đòi hỏi sinh viên phải vận dụng những kiến thức, tư liệu trong chương trình. Đồng thời cũng là cơ hội cho những ai muốn rèn luyện khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt khi xử lý vấn đề.
Khi 15 phút thảo luận kết thúc, mỗi nhóm trình bày cách tiếp cận và giải pháp đối với tình huống của doanh nghiệp được đề cập trong mini case. Dưới sự hỗ trợ từ anh Dũng, các bạn sinh viên được tranh biện, đưa ý kiến, từ đó tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
PHẦN IV: TỔNG KẾT
Kết thúc buổi workshop, diễn giả tổng hợp lại hệ thống kiến thức, kĩ năng sinh viên cần nắm được. Đó là cách giải quyết vấn đề và tầm quan trọng của nó đối với mỗi người. Problem solving không chỉ xuất hiện ở Case Study, bài học trên lớp hay kì tuyển dụng. Kĩ năng này chính là một phần thiết yếu đối với bất kì ai, bởi các vấn đề luôn xảy ra chờ chúng ta giải quyết.
Lời cuối cùng, CLB Nhà Kinh tế trẻ gửi lời cảm ơn chân thành đến người tham dự. Mỗi người tham dự sẽ nhận được bài test về Problem solving (kèm key) do chính CLB Nhà Kinh tế trẻ sưu tầm và biên soạn. Hãy check mail thường xuyên để đón nhận những phần quà hấp dẫn đến từ YEC nhé!