Gọi xe taxi, đặt phòng khách sạn hay mua vé máy bay trực tuyến…những tiện ích của ngày hôm nay sau 10 năm tới có thể trở nên lạc hậu. Uber là công ty taxi lớn nhất thế giới cho dù không có một chiếc xe nào, Airbnb là công ty khách sạn lớn nhất thế giới dù không có nổi một phòng khách sạn. Tất cả chỉ mới là những biểu hiện đầu tiên của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong thời gian qua, khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” là một từ khóa được “truy lùng” ráo riết và làm tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Sự chuyển mình lớn của nền công nghiệp này hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Là những sinh viên – những người khi ra trường sẽ chịu tác động trực tiếp từ cuộc cách mạng này, bạn đã hiểu gì về 4.0?
“Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” là gì?
Có thể nói rằng, chúng ta đang dừng chân tại 1 trong 4 cột mốc quan trọng của nhân loại. Theo dòng lịch sử, loài người đã đi qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp chính thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ hai là sự xuất hiện của điện năng, và lần thứ ba là sự bùng nổ của tin học và tự động hóa. Tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được bắt đầu.
Cuộc CMCN 4.0 là là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, Internet vạn vật và điện toán đám mây. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số, vì chúng ta sẽ được chứng kiến công cuộc “số hóa” làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Vẫn còn những ý kiến cho rằng cuộc cách mạng này chỉ là dự đoán. Nhưng với những sự ra đời liên tiếp của những robot tự động, xe hơi tự lái, trí tuệ nhân tạo,… ta có thể nhận thấy kỉ nguyên 4.0 đang đến rất gần.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra như thế nào?
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực Công nghệ Sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức hay thời cơ của người trẻ?
Chưa bao giờ con người một lúc đứng giữa những cơ hội và thách thức lớn đến vậy. Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi mà động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao.
Một thị trường việc làm vốn đã rất khốc liệt bởi những cuộc cạnh tranh gay gắt giữa người với người, bây giờ người ta còn phải cạnh tranh thêm với cả robot. Sự thật rằng là khi Cách mạng 4.0 đến, một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đã sa thải 80% công nhân vì robot.
Đi kèm với thách thức luôn là những cơ hội. Có thể hình dung rằng, Cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên.
Như bất kì một cuộc cách mạng nào khác, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại những cơ hội khổng lồ nếu biết tận dụng và đồng thời là thách thức bị tụt hậu và loại bỏ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp này sẽ tác động trực tiếp tới nguồn lao động trong vài năm tới – chính là những sinh viên đang học tập hôm nay. Chúng ta sẽ chiến thắng và làm chủ robot, hay thất bại và bị chúng đào thải, phụ thuộc vào sự chuẩn bị từ lúc này.
Người viết: Thu Trang
Nguồn tham khảo: zing.vn, kenh14.vn, baomoi.com