Sự nổi lên của Netflix đã thay đổi toàn cảnh của ngành giải trí như thế nào? Điều gì đã giúp hãng phá vỡ truyền thống của nền công nghiệp trăm năm tuổi này?

Bắt đầu từ một hãng cho thuê DVD qua thư, Netflix đã có xu hướng phá vỡ những lối mòn truyền thống của những kẻ đương nhiệm trong ngành ngay từ những buổi đầu thành lập. Sự xuất hiện của dịch vụ mới này thậm chí làm lung lay vị trí của Blockbuster – ông lớn ngành cho thuê truyền thống lúc bấy giờ.
Netflix – nền tảng streaming
Đạt được những thành công nhất định với mô hình cũ, song, CEO Reed Hastings đã luôn ấp ủ ý tưởng đưa Netflix trở thành một dịch vụ streaming. Hãng thậm chí còn từng đề xuất với Blockbuster giúp xây dựng nền tảng streaming cho công ty với cái giá là tiền mặt cùng 49% cổ phần. Song, gã khổng lồ đã từ chối, và vào năm 2010, họ phải nộp đơn phá sản.
Khi mới ra mắt nền tảng năm 2007, Netflix chủ yếu cung cấp những bộ phim đã có ở rạp, đã hoặc đang chiếu trên TV. Mặc dù không có một kênh riêng trên TV, Netflix đã cung cấp một giải pháp thuận tiện thay thế cho truyền hình cáp truyền thống với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Từ đó, số người đăng ký truyền hình cáp ở Mỹ đã giảm dần kể từ năm 2012. Trong khi số người đăng ký Netflix lại tăng đột biến.

Không quá khó hiểu cho sự chuyển dịch này với những tiện nghi mà Netflix mang lại. Netflix cung cấp cho người dùng khả năng xem nội dung theo tốc độ của riêng họ. Họ có thể xem bất cứ khi nào, toàn bộ nội dung cùng một lúc hoặc nhiều lần. Ngoài ra, người dùng không phải xem quảng cáo. Điều này vừa tăng trải nghiệm người dùng vừa giảm thời gian cần để xem hết một bộ hoặc một tập phim. Đặc biệt, những tiện ích trên lại được cung cấp với một mức giá ưu đãi hơn truyền hình cáp rất nhiều.
Netflix Original Series
Cú ngoặt tiếp theo vào năm 2013, khi Netflix Original ra đời. Đặt cược vào việc TV series chất lượng cao có thể được sản xuất và phân bố bên ngoài Hollywood truyền thống, cho đến hiện nay, đây đã trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất trong ngành giải trí. Netflix đã nhiều năm liền dẫn đầu các đề cử Emmy. Đặc biệt là năm 2020, hãng đã lập một kỷ lục mới với 160 đề cử. Bỏ xa hãng đằng sau – HBO 107 đề cử.

Không bị ràng buộc bởi quảng cáo, nhà sản xuất có thể tự do phát triển nội dung. Không phải chiếu trên sóng truyền hình nên số tập phim hay thời lượng của từng tập cũng không bị giới hạn. Hai điều đó giúp hãng dễ dàng thu hút nhân tài hơn vì họ có quyền tự do sáng tạo. Và cuối cùng, vào lúc đó, Netflix đã tích lũy được một lượng lớn dữ liệu về khách hàng. Họ biết được mọi người thích gì, phân khúc mục tiêu này tiêu thụ loại nội dung nào. Từ đó, họ có thể phát triển chủ đề dành riêng cho bất kỳ phân khúc nào họ muốn.
Tương lai của hãng
Ta đều phải công nhận, Netflix đã xuất sắc trong việc thoát khỏi lối mòn cũ của các ông lớn. Song, khi đã trở thành một ông lớn, liệu con đường Netflix tạo ra có bị cắt ngang?

Các công ty truyền thống trong ngành đã đang phản ứng với xu hướng này. Nhiều hãng đã bắt đầu lấy lại phim của họ từ Netflix nhằm giảm sức mạnh của gã khổng lồ. Đồng thời, họ cũng chuẩn bị cho việc ra mắt nền tảng streaming cho người tiêu dùng của riêng họ. Điều này đã dẫn đến sự khởi đầu của cái được gọi là “Cuộc chiến phát trực tuyến”. Điển hình như Disney với Disney +, NBC với Peacock hoặc Warner cũng kết hợp với HBO tung ra nền tảng riêng. Tuy nhiên, đây không phải là những công ty duy nhất bước vào lĩnh vực này. Những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Apple cũng đã tạo ra nền tảng của riêng họ và đang sản xuất original series với hy vọng cạnh tranh với Netflix.