Starbucks Coffee khởi đầu với một cửa hàng nhỏ chuyên bán lẻ cà phê nguyên chất, cà phê xay cùng trà và gia vị tại thị trấn Pike Place (Seattle). Sau hơn 40 năm, Starbucks đã trở thành thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới một cách không tưởng. Vậy họ đã làm những gì để đưa thương hiệu của mình vươn tầm thế giới?
Câu chuyện Starbucks Coffee bắt đầu
Câu chuyện tuyệt vời của Starbucks được bắt đầu viết lên bởi ba người: Jerry Baldwin, Zev Siegl, Gordon Bowker vào năm 1971. Lúc đó, Starbucks Coffee khi đó được biết đến là một địa điểm cung cấp những hạt cà phê và các dụng cụ pha chế. Ba người sáng lập hi vọng cửa hàng của họ sẽ là nơi những người trẻ tìm đến, nhận được những hạt cà phê thơm ngon nhất và chế biến theo cách của riêng họ. Starbucks đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của người dân ở Seattle nhưng chẳng thể đem lại quá nhiều giá trị cho thương hiệu.
Bước ngoặt trong hành trình tạo dấu ấn thương hiệu của Starbucks chính là sự xuất hiện của một bậc thầy trong lĩnh vực Marketing và Sales – Howard Schultz vào năm 1982. Schultz chính là người đầu tiên nảy ra ý tưởng biến những cửa hàng bán hạt cà phê thành những quán phục vụ đồ uống tại thị trấn Seattle sau chuyến đi du lịch tại Milan (Italy) và thưởng thức các ly espresso. Ông nhận ra Seattle chưa có bất cứ một quán cà phê nào chỉ chuyên phục vụ cà phê. Đồng nghĩa với việc Starbucks sẽ là một thương hiệu nổi bật tiên phong trong lĩnh vực này với số lượng đối thủ bằng 0. Và đúng vậy, Starbucks đã tự mình thiết lập nên một kỉ nguyên mới cho các quán phục vụ cà phê thời đó.
Quá trình mở rộng thị trường đầy hứa hẹn
Sau sự thay đổi đột phá, Starbucks bắt đầu chiến dịch mở rộng đầu tiên của mình cùng 6 cửa hàng khác nhau trong thị trấn (1986) với sản phẩm chính là espresso. Thương hiệu được bán lại hoàn toàn cho Howard Schultz (1987) và tiếp tục hành trình “xâm lấn” của mình khắp các vùng Tây Bắc và Trung Tây.
Doanh thu của Starbucks đạt 73.5 triệu đô la Mỹ đến thời điểm 1992, tăng gấp 1.3 triệu đô la vào năm 1987. Giá thị trường của công ty là 271 triệu đô la vào thời điểm này, cổ phiếu tăng 70%, gấp 100 lần thu nhập trên mỗi cổ phiếu của năm trước.
Năm 1996, Starbucks Coffee chính thức đánh dấu cột mốc đầu tiên cho hành trình vươn ra thế giới của mình tại Tokyo, Nhật Bản. Vô số các cửa hàng ở các quốc gia khác nhau đã được khai trương sau đó với hàng loạt những dãy hàng xếp dài chờ đợi trước quán mỗi giờ mở cửa.
Thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới
Thành công của Starbucks Coffee đã mở ra một lối đi mới cho rất nhiều những thương hiệu cà phê khác, giúp họ nhanh chóng chinh phục và trở nên đắt giá. Tuy nhiên, chẳng thể có bất cứ một công ty nào có thể đủ sức chạy theo Starbuck khi họ đã có cho mình một chiến lược, rõ ràng cụ thể, coi khách hàng là sự ưu tiên số 1 của mình, chú trọng tuyệt đối vào sản phẩm chính của mình là cà phê.
Các sản phẩm từ Starbucks thực sự đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường. Không chỉ phục vụ những ly cà phê thơm ngon, Starbucks còn cung cấp rất nhiều cách sản phẩm khác phục vụ nhu cầu của mọi lứa tuổi. Nước ép hoa quả, trà, bánh sandwich, … tất cả đã tạo nên một không khí vô cùng tuyệt vời, lôi kéo được sự quan tâm và góp mặt của sự đa dạng khách hàng.
Hơn nữa, Starbucks còn rất quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng. Bắt đầu từ việc phát triển những loại thẻ thành viên đảm bảo nhiều ưu đãi cho khách hàng, sử dụng những loại ly có dung tích lớn, đồ uống đòng chai đến thành lập quỹ Starbucks ủng hộ người nghèo, cung cấp dịch vụ wifi miễn phí không giới hạn. Starbucks luôn đề cao vị trí của khách hàng sao cho họ luôn cảm thấy mình được nâng niu, trân trọng.
Nhờ những chính sách ấy, “đế chế Starbucks” dần dần lớn mạnh và sau đó không lâu trở thành thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới. Lượng cà phê bán ra ở các cửa hàng Starbucks lên 4 tỷ cốc trung bình mỗi năm. Tính đến năm 2019 thì Starbucks có mặt trên 6 lục địa, 78 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) với khoảng 27.340 địa điểm.
Bài học kinh nghiệm từ Starbucks
Qua câu chuyện của Starbucks Coffee, một trong những bí kíp để trở thành một gã khổng lồ lớn nhất hành tinh trong ngành cà phê với xuất phát điểm chỉ là một gian hàng nhỏ chính là: Sự sáng tạo, khác biệt cùng quan điểm đề cao vai trò của khách hàng.
Sự khác biệt đã giúp Starbucks trở nên nổi tiếng hơn so với các nhà máy xay và bán cà phê rang trong vùng, gây nên một cơn sốt toàn cầu với tấm thẻ thành viên, ứng dụng thanh toán dễ dàng cùng không gian mang đến cảm giác an bình, thoải mái.
Sự sáng tạo: không chỉ pha chế nên những cốc cà phê thơm ngon (sản phẩm mũi nhọn của hãng), Starbucks còn chú ý đến cả những đối tượng không uống được cà phê và cho ra lò vô vàn những thức uống bổ dưỡng phục vụ họ. Nhờ vậy mà cửa hàng nào của Starbucks cũng tấp nập người qua lại đủ mọi giới tính, lứa tuổi, sở thích khác nhau.
Sự đề cao vai trò khách hàng: Mọi sự thay đổi, mọi chính sách luôn được hướng đến khách hàng đầu tiên là cách mà Starbucks hoạt động. Tất cả đều phải đảm bảo trải nghiệm của khách hàng là tốt nhất, sự hài lòng của khách được đặt lên hàng đầu. Vậy nên, lượng khách hàng trung thành của Starbucks luôn đạt một con số kỉ lục – thứ luôn duy trì độ nổi tiếng và đắt giá của thương hiệu cà phê bạc tỉ.